Đây là sáng kiến do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khởi xướng từ năm 1989, đã lan tỏa sâu rộng và trở thành một hoạt động thường niên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay mang chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một Thế giới đang thay đổi". Đây là thông điệp nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.
Ảnh minh họa
Mục tiêu thực sự của chúng ta không phải là kiểm soát tỷ lệ sinh, mà là trao cho mỗi cá nhân thông tin đầy đủ, phương tiện thích hợp, chính sách hỗ trợ và môi trường an toàn để họ có thể tự do và có trách nhiệm quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Đó là cách duy nhất để xây dựng một thế giới công bằng, bền vững và thịnh vượng.
Trong những năm qua, công tác Dân số và Phát triển tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Tuổi thọ trung bình tăng lên 74,7 tuổi vào năm 2024; tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cũng đã tăng hơn 6cm trong 30 năm qua. Một dấu mốc đáng chú ý gần đây là ngày 3/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, chính thức bãi bỏ quy định mỗi gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con, tạo điều kiện cho người dân được tự quyết định số con phù hợp với hoàn cảnh. Trước đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như miễn giảm học phí mầm non, tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, chế độ nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng… nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các khu vực có mức sinh thấp.
Hiện nay, Dự thảo Luật Dân số mới, đang được Quốc hội thảo luận, tiếp tục khẳng định quyền sinh sản là nền tảng cho chiến lược dân số quốc gia, hướng tới công bằng trong tiếp cận dịch vụ và thích ứng với bối cảnh nhân khẩu học mới.
Thành phố Hà Nội là địa phương có mật độ dân số cao thứ hai của cả nước, công tác Dân số đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Giai đoạn 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số trung bình mỗi năm xấp xỉ 1%, tạo áp lực lớn lên hạ tầng, dịch vụ công và chất lượng sống đô thị. Tuy nhiên, các chỉ tiêu quan trọng về dân số không ngừng được cải thiện. Hà Nội luôn tích cực cụ thể hóa các chủ trương lớn về công tác Dân số do Trung ương đề ra. Thành ủy và UBND Thành phố đã kịp thời ban hành nhiều kế hoạch quan trọng đồng thời đẩy mạnh triển khai các mô hình dân số hiệu quả như tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng... Đặc biệt, nhận thức rõ những hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài, Hà Nội đã chủ động ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 31/1/2025 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 trên địa bàn thành phố với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cân đối dân số, ổn định quy mô và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi tư duy chính sách dân số, từng bước chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang tiếp cận toàn diện dân số và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dân số, đồng thời gắn kết hài hòa giữa quy mô, cơ cấu và phân bố dân số với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt sâu sắc tinh thần Kết luận số 149-KL/TW (tháng 4/2025) của Bộ Chính trị, khẳng định công tác Dân số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Hà Nội đã chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới. Để nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy chuyển đổi hành vi, các hoạt động truyền thông về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số gắn với các mục tiêu phát triển bền vững được triển khai tích cực, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, bình đẳng giới, thích ứng với già hóa dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng.
Cùng với cả nước và thủ đô Hà Nội, công tác dân số xã Sơn Đồng cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2024, công tác Dân số cơ bản đã đạt các chỉ tiêu kế hoạch của thành phố và huyện đề ra: tỷ lệ sinh con thứ ba giảm xuống còn 13,9%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 87,7%; tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 81,7%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 86,1%. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức cao trên địa bàn thành phố: 120 trẻ trai/100 trẻ gái. 6 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ sinh con thứ ba là 12,7%; tỉ lệ sàng lọc trước sinh đạt 88,8%, tỉ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88,3%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 45,7%; tỷ lệ tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn đạt 76,5%; tỷ số giới tính khi sinh đang gia tăng ở mức 128 trẻ trai/100 trẻ gái, vượt trên mức cân bằng tỉ số giới tính tự nhiên. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số của các cấp, các ngành và toàn dân được thực hiện thường xuyên và đa dạng. Thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc" đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong cộng đồng. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng nâng cao.
Ảnh minh họa
Những nỗ lực toàn diện trong công tác Dân số đã và đang góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn xã Sơn Đồng cũng như toàn Thủ đô, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững, nơi mỗi người đều được tôn trọng, được trao quyền tự quyết về sinh sản, và có điều kiện thuận lợi để chủ động định hướng tương lai của mình.